Trong quá trình sử dụng các thiết bị âm thanh nói chung và loa nói riêng, loa sẽ gặp những sự cố, những hư hỏng khiến bạn lo lắng. Với những lỗi nhỏ, trước khi nghĩ đến chuyện mang ra cửa hàng sửa chữa, bạn hãy thử làm theo một số hướng dẫn dưới đây.
1. Không nghe được âm thanh nào phát ra từ loa
Chiếc loa yêu quý của bạn đột nhiên không phát ra âm thanh? Trước tiên bạn hãy kiểm tra xem nguồn phát âm thanh có đang hoạt động không bằng cách cắm tai nghe vào nguồn phát âm thanh (hoặc thay thế bằng một loa khác). Nếu bạn vẫn nghe được âm thanh thì lỗi đích thị là do loa. Khi đó hãy kiểm tra lần lượt theo các bước sau:
- Điện nguồn: Bạn hãy kiểm tra xem đèn Power trên loa có sáng không để xác định việc loa đã được cấp nguồn.
- Dây cáp tín hiệu dẫn từ sound card đến loa: Dây cáp phải còn nguyên vẹn, không bị bẻ gãy hay côn trùng cắn đứt.
- Điều chỉnh âm lượng: Bạn không nghe được âm thanh có thể do mức âm lượng bạn vặn quá nhỏ. Vậy hãy tăng mức âm lượng phát ra loa bằng cách bấm vào biểu tượng chiếc loa trên khay hệ thống, rồi kéo con trỏ trên thanh trượt lên đến mức trung bình. Đồng thời bạn hãy vặn nút Volume trên loa sang các mức độ cao hơn vị trí hiện tại.
- Đầu cắm của dây cáp: bụi hay các chất dơ, rỉ sét có thể làm cho vùng đầu cắm của dây cáp bị bẩn làm cho việc tiếp xúc giữa đầu cáp với card âm thanh bị ngăn chặn, và bạn sẽ không nghe thấy một âm thanh nào từ loa. Để giải quyết tình trạng này bạn hãy dùng một chút dầu chống rỉ sét để lau sạch đầu cắm. Bạn cũng có thể làm sạch bụi bẩn và rỉ sét trên đầu căm bằng cách cắm và rút liên tục nó khỏi lỗ cắm trên sound card. Hoặc bạn xoay tròn đầu cắm trong lỗ cho đến khi nghe thấy âm thanh phát ra trên loa.
- Kiểm tra xem bạn đã cắm đúng đầu dây cáp với nguồn chưa: Có thể trong lúc vội bạn cắm nhầm đầu cáp nối vào cổng mi-crô hay Line in, thay vì cổng Line out hay Speaker trên sound card. Hoặc cũng có thể bạn dùng loại loa chấp nhận âm thanh từ hai hay nhiều nguồn phát âm khác nhau, và bạn đã bật nhầm nút chuyển sang nguồn phát khác với máy tính nên không nghe thấy âm thanh.
2. Loa bị đứt dây dẫn động
Đây cùng là một hư hỏng thường thấy đối với loa, nguyên nhân là do khi phát âm, màng giấy di động từ trong ra ngoài, nếu bạn vặn volume ở mức cao, những rung động càng lớn khiến cho dây dẫn từ trạm hàn cố định đến trạm hàn di động bị đứt.
Để khắc phục sự cố này, bạn hãy thay dây dẫn động đang dùng bằng một sợi dây mềm khác có kích thước dài hơn sợi dây cũ. Như vậy, màng loa sẽ thoải mái rung động mà không sợ bị đứt dây.
3. Lệch vị trí khối nam châm vĩnh cửu
Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi bạn dùng loa lâu ngày, chất keo kết dính của khối nam châm vĩnh cửu bong ra, những rung động lúc loa đang phát sẽ làm cho khối nam châm lệch khỏi vị trí cũ, âm thanh bị nhỏ đi.
Nếu gặp trường hợp như vậy việc trước tiên bạn cần làm là tháo hẳn nam châm ra, dùng giấy giáp đánh sạch lớp keo cũ (cả trên bề mặt của khối sắt), sau đó dùng keo 502 dán lại. Lúc dán phải nhanh tay, nếu keo khô rồi mà khối nam châm bị đặt nằm lệch tâm thì rất khó tháo ra (dễ bị bể nát).
4. Vị trí đặt loa chưa đúng
Vị trí đặt loa rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn tới chất lượng âm thanh mà loa phát ra. Vì vậy nếu âm thanh bạn nghe được chưa “chuẩn”, hãy xem lại vị tri đặt loa của mình đã đúng nguyên tắc cơ bản hay chưa với từng loại loa nhé.
- Với dạng loa Stereo 2.0: Hãy đặt 2 chiếc loa ở hai bên màn hình, hướng về phía hai tai người nghe. Chú ý đặt đúng loa trái và loa phải vào đúng bên của nó.
- Với bộ loa 2.1 ( là bộ loa 2.0, nhưng có thêm thùng loa trầm) thì hai loa trái phải đặt như ở trên, còn loa thùng nên đặt sát mặt đất hay góc phòng để làm tăng thêm hiệu ứng bass của nó.
- Với loa 4.1: Hai loa vệ tinh đặt phía trước, loa trầm bố trí như bộ loa 2.1, hai chiếc loa còn lại hãy đặt phía sau hai tai của người nghe.
- Với bộ loa 5.1: Việc đầu tiên bạn cần quan tâm là tìm nơi đặt loa trung tâm. Loa này cần được đặt ở chính diện, ngay trước mặt hướng về phía người nghe. Cách tốt nhất là bạn đóng một chiếc kệ treo để đặt nó vào vùng không gian ngay phía sau màn hình. Các loa vệ tinh và loa siêu trầm còn lại đặt ở các vị trí tương tự như loa 4.1.
- Với hệ loa 7.1: bạn cần dùng giá treo, hay chân đứng, để giữ các loa vệ tinh ở vị trí ngang tầm tai người nghe. Hai loa trước (front) được đặt trước mặt nghiêng xéo một góc 45 độ hướng về phía người nghe, hai loa giữa (surround) đặt hai bên tai người nghe, còn hai loa sau (rear) thì đặt phía sau tai, sao cho với khoảng cách từ chúng, cũng như từ các loa phía trước đến tai, là bằng nhau. Trường hợp bạn muốn treo hai loa vệ tinh phía sau lên trần nhà hay đặt ở vị trí trên cao, thì nón loa cũng phải hướng xuống phía người nghe.
Khi sắp xếp vị trí cho bộ loa của mình bạn nên chuẩn bị trước các bước để setup cho bộ loa sao cho có được âm thanh mà bạn thấy hợp lý nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét