Đã có lúc bạn nghe ai đó đề cập về tiếng bass, tiếng mid, tiếng treble hay là các thuật ngữ như âm trầm, âm trung, âm cao trong quá trình nghe nhạc hoặc tiếp xúc với lĩnh vực âm thanh.
Đây là những khái niệm rất cơ bản, mà không chỉ những người làm âm thanh mà ngay cả những người không phải trong lĩnh vực này cũng nên biết, để sau này nếu như có trang bị một dàn karaoke cho gia đình thì chúng ta cũng có thể tư mình cân chỉnh. Bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn về khái niệm cơ bản về 3 dải tần âm thanh: âm trầm, âm trung, âm cao.
3 dải tần cơ bản của âm thanh bao gồm: âm trầm, âm trung, âm cao. Bất cứ một bản nhạc nào hay một nguồn âm nào phát ra thì người ta cũng dựa trên 3 dải tần này để cân chỉnh cho âm thanh hài hòa. Nếu chú ý các bạn sẽ dễ dàng nhận thấy trên một số thiết bị âm thanh như mixer cũng có kí hiệu về các dải tần số này.
1. Âm trầm (hay còn gọi là tiếng bass)
Khái niệm vật lý cho chúng ta biết rằng âm thanh có tần số càng cao thì âm mà tai người nghe được sẽ càng cao. Tai người có khoảng nghe từ 20Hz-20KHz, và những tiếng bass thường sẽ bao gồm những âm thanh có tần số <200Hz. Đây là dải tần dễ nhận biết nhất trong các dàn âm thanh. Có 3 loại tiếng bass sau đây:
+ Tiếng bass sâu (Deep bass)
+ Tiếng bass trung (Midbass)
+ Tiếng bass cao (Upper bass)
Dải tần số của các phím đàn piano
Đây là dải tần số dễ nhận biết nhất và cũng chính vì thế mà có nhiều ý kiến khen chê khác nhau về những tiếng bass này. Có nhiều người nhận xét rằng tiếng bass càng nhiều, càng mạnh thì âm thanh sẽ càng hùng hồn, càng chất lượng. Tuy nhiên thì còn tùy vào từng trường hợp cụ thể, vì âm thanh cho mỗi thể loại nhạc là khác nhau, không có một trường hợp nào tuyệt đối.
Tiếng bass là dải tần không thể thiếu để tạo nên chất lượng của âm thanh, nhưng nó cũng cần có sự tinh tế, phối hợp hài hòa với 2 dải tần còn lại, chứ còn nếu quá nhiều tiếng bass thì sẽ làm mờ đi 2 dải tần còn lại, lúc này âm thanh nghe sẽ rất khô khan, không tạo được cảm xúc cho người nghe.
Cũng như các tay trống trong một dàn nhạc, tiếng bass được ví như sườn của giai điệu trong âm nhạc. Nhưng không phải dễ để đạt được tiếng bass hoàn hảo, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: ampli, loa, không gian phòng nghe, các loại dây loa và dây dẫn tín hiệu....
Một số thuật ngữ người ta thường dùng miêu tả tiếng bass như: Sâu, tròn, chặt chẽ, có lực, hoặc để "chê" tiếng bass như: mỏng, thiếu lực, ù... Những thuật ngữ này chỉ mang tính trừu tượng và không có một cách diễn đạt chính xác nhất, đó là do cảm nhận của tai mỗi người khác nhau.
2. Âm trung (tiếng mid)
Một cách diễn tả dễ hiểu nhất về âm trung đó là âm trung chính là giọng hát của ca sĩ (vocal). Đây cũng là tần số âm thanh mà tai người nhạy cảm, dễ cảm nhận nhất. Âm trung thường sẽ có tần số <1KHz.
Equalizer Soundking SEQ-3103 giúp tăng hiệu quả xử lí tần số âm thanh
Người ta thường đánh giá âm trung ở các yếu tố như: âm thanh nghe rõ ràng, có độ ấm, dễ chịu chứ không quá "chát", chói tai. Và đây cũng là dải tần mà người nghe cảm nhận rõ ràng nhất trong quá trình thưởng thức âm nhạc của mình. Âm trung quá mỏng hoặc quá cứng sẽ gây cho người nghe cảm giác thô.
Những thuật ngữ thường dùng để "khen" tiếng mid như: ngọt, mượt, đầy đặn, rõ ràng... Còn để "chê" dải tần này, người ta thường sử dụng những từ: khô, thô,..
3. Âm cao (tiếng treble)
Đây là những âm thanh có tần số > 1KHz, bạn có thể dễ nhận ra tiếng treble trong cuộc sống thường ngày thông qua những tiếng "leng keng" của những thanh kim loại, hoặc trong các bộ trống có những "lá" Cymbal mà khi nghệ sĩ tác động vào thường có tiếng rất vang.
Tiếng Treble được cho là nền tảng tạo ra chất lượng âm thanh hay, điểm nhấn của 1 bản nhạc hoặc 1 ca khúc. Nếu Bass là dẫn dắt, mid là hài hòa thì tất cả 2 âm trên sẽ làm nền cho trable biểu diễn. Và ở nhiều dàn âm thanh chất lượng cao đôi lúc vẫn chưa tạo được sự hài lòng cho người sử dụng về những tiếng treble của nó.
Những thuật ngữ sử dụng miêu tả tiếng treble theo hướng "tích cực" đó là: trong, sáng, mượt, thanh... Còn nếu tiếng treble gây sự không hài lòng, người nghe thường sẽ dùng những từ ngữ như: chói, không đủ sáng, khô...
Đó chính là khái niệm cơ bản về 3 dải tần số của âm thanh, mà mỗi dải tần đều đóng vai trò quan trọng để tạo nên chất âm hài hòa, phù hợp. Bất cứ một sự "xuất sắc" quá mức ở một dải tần nào đó cũng có thể làm "lu mờ", chìm đi những dải tần còn lại. Người chơi âm thanh cần có khả năng cảm âm tốt để có thể tùy chỉnh âm thanh một cách hợp lý nhất.
Xem thêm bài viết :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét